08:26 05/12/2017
Lượt xem: 1995
Ngay từ những ngày đầu năm 2017, tại thành phố Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam. Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đãn kết luận: Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm còn rất lớn. Vì vậy cần có quyết tâm chính trị và giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phát huy tốt lợi thế này. Cần xác định rõ mục tiêu đưa ngành tôm Việt Nam tiến lên thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới. Ngành tôm phải là tấm gương tiêu biểu trong việc đi tắt, đón đầu trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao; trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, áp dụng công nghệ sinh học, tự động hóa, điện tử, tin học v.v.. vào sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến tôm. Phấn đấu đến năm 2025 đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD.
Với những quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một trong những định hướng cơ bản và nhiệm vụ trọng tâm là cần nghiên cứu để khắc phục việc tôm giống bố mẹ, thức ăn và một số vật tư thiết yếu khác trong nuôi tôm vẫn đang phụ thuộc nước ngoài. Nâng cao chất lượng con giống, hạn chế dịch bệnh phục vụ sản xuất.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu, sớm có tôm giống Bố mẹ sạch bệnh và kháng bệnh tăng trưởng nhanh.
Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm nước lợ đã có những bước phát triển nhanh nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó, yếu tố chất lượng con giống là một trong những yếu tố quan trọng đã được cơ quan quản lý các cấp quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, nhiều tồn tại, bất cập vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: Việc kiểm soát chất lượng tôm giống chưa tốt, một số quy định của pháp luật còn bất cập; chế tài xử lý chưa đủ mạnh; chưa làm chủ được trong sản xuất, chọn tạo tôm bố mẹ, còn nhiều hiện tượng sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, thu gom tôm giống không rõ xuất xứ, giả thương hiệu bán ra thị trường... đã dẫn đến việc kiểm soát chất lượng, dịch bệnh còn khó khăn, nuôi tôm nước lợ còn tiềm ẩn rủi ro.
Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội giống tôm Bình Thuận cho rằng, ngoài những thuận lợi hiện có, ngành tôm cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: Tình hình thời tiết diễn biến bất thường, chất lượng nguồn nước biển ngày càng có chiều hướng xấu đi, nhiệt độ vào mùa hè tăng cao, mùa đông thì giảm mạnh; các nhà máy công nghiệp phát triển mạnh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây bất lợi cho ngành tôm; chi phí sản xuất ngày càng tăng cao; khoa học kỹ thuật phát triển chậm không theo kịp với sự phát triển chung của ngành; công tác đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế; nhu cầu đòi hỏi về chất lượng tôm giống của khách hàng ngày càng tăng cao; Ngoài ra 1 số quy định trong quản lý tôm bố mẹ còn bất cập, lỏng lẻo chưa chặt chẽ; Việc gia hóa tôm bố mẹ trong nước cần phải được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng phải đảm bảo mới nên đưa ra thị trường để tránh rủi ro cho người nuôi. Giống không rõ nguồn gốc vẫn lén lút tiêu thụ trên thị trường làm ảnh hưởng đến người nuôi.
Theo ông Trần Đình Luân, để quản lý tốt chất lượng giống tôm nước lợ, cần có kế hoạch cụ thể phối hợp giữa cơ quan quản lý các địa phương sản xuất giống và địa phương có diện tích thả nuôi tôm nước lợ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống và người nuôi. Bên cạnh đó cần kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào khác theo chuỗi sản xuất ngành tôm.
Hiện nay nguồn tôm bố mẹ cần để sản xuất giống phục vụ sản xuất khoảng 230.000 con, trong đó, số lượng tôm thẻ chân trắng nhập khâu năm 2016 là 226.626 con, còn lại là sản xuất trong nước và khai thác tự nhiên.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, một số quy định về công tác kiểm dịch, thu phí kiểm dịch còn nhiều bất cập. Trong thời gian tới cần phải kiểm dịch tại gốc từ bố mẹ đến giống xuất bán; Đăng ký, công bố cơ sở sản xuất an toàn dịch bệnh và được kiểm soát chặt chẽ; Sự hợp tác trong quản lý lưu thông nguồn giống phải chặt chẽ và đi vào thực chất. Tăng cường các chế tài xử phạt, quy định rõ việc tiêu hủy khi vi phạm hoặc phát hiện bệnh.
Quy định thuần dưỡng và sử dụng tôm bố mẹ trong vòng 4 tháng là tương đối ngắn, chưa phù hợp. Cần quy hoạch, tổ chức lại sản xuất giống để đảm bảo phát triển bền vững. Nên thống nhất phân công quản lý chất lượng giống bao gồm cả kiểm dịch thì mới hiệu quả.
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đánh giá cao sự tâm huyết của các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất tôm đối với quản lý chất lượng tôm giống hiện nay giúp cho ngành tôm phát triển. Trong các tháng đầu năm, các địa phương đã có những giải pháp cụ thể, vào cuộc để kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống; Chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý được tăng cường. Tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT công khai các vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra để người dân được biết.
Về quản lý chất lượng, sẽ phối hợp với Cục Thú y để rà soát, chỉnh sửa các quy định về kiểm dịch giống.
Để quản lý con giống tốt hơn, Phó Tổng cục trưởng đề nghị trong thời gian tới:
Các địa phương đưa ra các đợt cao điểm kiểm soát tôm giống trong năm 2017; Giám sát chặt chẽ nguồn giống bố mẹ nhập khẩu và việc sản xuất giống từ nguồn này.
Tổng cục Thủy sản cập nhật toàn bộ và công khai số lượng tôm bố mẹ nhập khẩu để sản xuất tôm giống trên trang tin điện tử Tổng cục Thủy sản
Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp các địa phương tổ chức thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất giống; Thống kê toàn bộ nguồn bố mẹ nhập khẩu để kiểm soát.
Các địa phương tăng cường phối hợp trong việc kiểm soát chất lượng tôm giống giữa nơi bán và nơi sản xuất tôm thương phẩm; Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra đột xuất việc sản xuất, lưu thông tôm giống.
Phát huy vai trò của các Hội, hiệp hội trong thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn giống tốt, sạch bệnh.
Các cơ quan nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu gia hóa tôm bố mẹ để chủ động nguồn bố mẹ và giảm giá thành sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống từ tôm gia hóa, tránh sự gian lận trong sử dụng tôm bố mẹ.